Những lời chia sẻ chân thành từ buổi sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh

 

Thực hiện kế hoạch của SGD&ĐT Bắc Giang, phòng GD&ĐT Yên Dũng, trường tiểu học Lãng Sơn rất vinh dự được đặt địa điểm tổ chức SHCM cụm cấp tỉnh  theo hướng nghiên cứu bài học vào ngày 10/4/2018 với 3 môn học, trong đó có môn Mĩ thuật.

Được sự phân công của BGH nhà trường, tôi đã chuẩn bị và dạy 1 tiết mĩ thuật của chủ đề “Trải nghiệm và sáng tạo với các chất liệu”  lớp 5B.

Cũng như bao chủ đề khác, khi lên kế hoạch cho bài học tôi rất băn khoăn về chất liệu của học sinh để tạo ra sản phẩm.

Trong cuộc sống có rất nhiều chất liệu để đưa vào sáng tạo hội họa, song với học sinh tiểu học thì tìm chất liệu gì phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ lứa tuổi và năng khiếu của học sinh quả là không hề đơn giản.

Hơn thế nữa đây lại là một tiết dạy của một chủ đề gồm 3 tiết không chỉ có mình tôi với các học trò nhỏ mà giờ học này còn có các thầy giáo là chuyên viên của Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, các thầy cô giáo ở tổ chuyên môn của huyện Lạng Giang, huyện Lục Ngạn về dự. Tôi khá là băn khoăn cho thiết kế bài dạy và hoạt động của học sinh trong giờ học ấy.

Song rồi tôi cũng mạnh dạn đưa vào một số chất liệu “gần gũi” mà “xa lạ” với các em, đó là đĩa CD, là cành cây khô, là vải vụn, là gạo quê,… Vậy làm thế nào để chỉ có khoảng thời gian là 35 phút tôi sẽ cùng học sinh “trải nghiệm” và “chia sẻ” được các tác phẩm của mình?

Dẫu biết rằng giờ học ấy của cô trò chúng tôi là hoạt động 3 của chủ đề, song tôi đã phải nghĩ đến việc bố trí học sinh ngồi học theo trình độ nhận thức của các em một phần bởi để tôi sẽ bồi dưỡng cho học sinh có năng khiếu, học sinh “đam mê” và học sinh còn chưa thật sự “sáng tạo”

Quả nhiên nếu trong khoảng thời gian 35 phút cho 1 chủ đề thì điều gì sẽ đến? nhưng với những bàn tay “chuyên nghiệp” sự say mê sáng tạo, tính cần cù, chịu khó của các cô cậu trò nhỏ thì những sản phẩm sau tiết học quả là tuyệt tác.

Từ những chiếc đèn lồng xinh xắn, những cành đào khoe sắc thắm, những mảnh vải vụn, những hạt gạo quê đã thổi hồn vào tranh như lời tự sự của các em

Tôi thực sự tâm đắc với sản phẩm của học sinh sau tiết học ấy; khi ngắm nhìn sản phẩm tôi như được nhân lên những ham muốn, những ham muốn trong sự nghiệp của mình.

Và cái duyên của những bức tranh ấy cũng đã thuyết phục tới các thầy cô về dự giờ, thầy Ngô Xuân Thủy – GV tổ bộ môn – phòng GD huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Quả là tôi rất ấn tượng với sản phẩm của các em, chúng tôi ở Lục Ngạn có nằm mơ cũng không có được những sản phẩm như thế; với tôi sản phẩm của học sinh ở đây không có gì để nói được cho hết”

Được cùng dự giờ cô giáo Đỗ Thu Hạnh – GV đoàn Lạng Giang có tâm sự: “Thực sự cảm nhận của tôi khi về với Tiểu học Lãng Sơn thật sự có nhiều điều để học hỏi; các em học sinh như bị cuốn vào bài học ở hoạt động thực hành tôi cảm thấy rằng các em đã và được làm sản phẩm một cách thường xuyên…”

Có lẽ nếu các thầy cô không chuyên ngành như giáo viên trực tiếp dạy mĩ thuật như chúng tôi thì việc cảm nhận lại ở một mức độ khác. Song tôi khẳng định rằng “cái đẹp” về cả nội dung và hình thức thì không ai có thể phủ nhận. Điều mà tôi minh chứng cho câu nói ấy được thể hiện qua cảm xúc chân thành từ thầy Giáp Văn Tuấn – Chuyên viên Sở GD&ĐT Bắc Giang . “Sau khi dự giờ, thầy Tuấn được tận mắt chứng minh hoạt động học tập của học sinh trường Lãng Sơn. Thầy được cảm nhận về sự say mê, sáng tạo và làm sản phẩm của học sinh, cuối buổi thầy chia sẻ. Hình ảnh mà thầy đã chụp được với cảm nhận đầu tiên khi bước vào phòng nghệ thuật” Tôi rất ấn tượng với phòng nghệ thuật của các bạn, bởi việc lưu giữ sản phẩm ở đây rất tốt, sản phẩm rất phong phú, đa dạng và có độ bền cao, còn với bài học hôm nay tôi nhận thấy học sinh học với tốc độ tuyệt vời, chất liệu mà các em lựa chọn quả là độc đáo.

 

  

 

 

Tranh gạo và tranh vải được học sinh hoàn thành sau giờ học

Một góc trưng bày tại phòng mỹ thuật

Tuy nhiên điều tôi tâm đắc nhất là sự gợi mở của đồng chí Giáp Văn Tuấn là “với học sinh có bàn tay chuyên nghiệp như ở Tiểu học Lãng Sơn thì cần có kiến thức nâng cao cho các em ở tiết học sau”.

Vâng tôi hiểu với chuyên ngành hội họa thì việc sáng tạo nâng cao là rất cần thiết, có lẽ rằng với năng lực của học sinh trường tôi thì việc “nâng cao kiến thức” cho học sinh khá, giỏi là rất cần thiết, bởi lẽ muốn ươm mầm cho sự say mê và sáng tạo thì sản phẩm không chỉ dừng lại ở đó. Tôi tin tưởng rằng trong các giờ học tiếp sau, trong những năm tiếp sau, học sinh trường tôi sẽ luôn là niềm từ hào của ngành Giáo dục Yên Dũng, Lãng Sơn chúng tôi luôn là điểm đến của các đồng nghiệp.

 

 

 

 

Trường Tiểu học Lãng Sơn 

Địa chỉ: Thôn Tân Mĩ , Xã Lãng Sơn

Điện thoại: 0978342135

Email: c1langsonyd.bacgiang@moet.edu.vn

 

 

 

Hỗ trợ & phát triển bởi EduPortal

Ghi rõ nguồn EduPortal khi trích thông tin từ website này