Được chơi những gì mình thích là điều tuyệt vời nhất với chúng em!

Được chơi những gì mình thích là điều tuyệt vời nhất với chúng em!

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của hoạt động trải nghiệm được nhấn mạnh dưới góc độ phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sao cho phù hợp với học sinh là rất quan trọng. Đối với bậc tiểu học, nội dung trải nghiệm tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, các kỹ năng sống, kỹ năng quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động, hoạt động xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tập thể, lao động công ích, sân khấu hóa như kịch, thơ, hát, múa rối, tiểu phẩm, thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội… Mỗi hình thức hoạt động trên đều mang ý nghĩa giáo dục nhất định. Một số hình thức tổ chức của hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các trường phổ thông được trường tiểu học Lãng Sơn thường tổ chức đó là: Câu lạc bộ thể dục thể thao; Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật; Câu lạc bộ hoạt động thư viện; Câu lạc bộ Mĩ thuật, Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ trò chơi dân gian…

Xác định được vai trò quan trọng, ý nghĩa của các hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học, năm học 2019-2020, ban giám hiệu trường Tiểu học Lãng Sơn đã quan tâm tới các hoạt động trải nghiệm của các khối, lớp trong giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ... Đặc biệt là tổ chức cho các em được trải nghiệm trong giờ ra chơi. Cụ thể, trong các giờ ra chơi, các em tự chọn cho mình một góc trải nghiệm để tham gia như: Góc trải nghiệm thư viện xanh, góc mĩ thuật, góc trải nghiệm trò chơi bằng tiếng Anh, góc thể dục thể thao, góc trò chơi dân gian, góc tìm kiếm tài năng âm nhạc... Để làm tốt hoạt động này, trước hết nhà trường đã chuẩn bị tốt các điều kiện như: bố trí các góc, các dụng cụ và điều kiện cần thiết ở từng góc như: cho học sinh chơi như treo sẵn các dây nhảy, các giỏ sỏi, kẻ ô, sạp nhảy, sách trong chòi thư viện, bàn cờ, kẻ sân cầu lông, bàn  để chơi bóng bàn... phân công giáo viên kết hợp với Đoàn Đội lên kế hoạch, hướng dẫn các em biết cách tham gia trải nghiệm tất cả các góc. Sau đó hàng ngày các em tự tổ chức, tự chơi tự tham gia bất kì góc chơi nào. Đặc biệt việc đưa các trò chơi dân gian vào giờ ra chơi và tiết hoạt động tập thể đã được đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh trong trường đón nhận.

Rất vinh dự cho nhà trường, vào sáng ngày 15 tháng 1 năm 2020, các đồng chí cán bộ Huyện Đoàn Yên Dũng, thầy cô cán bộ phòng giáo dục, đại diện tổng phụ trách đội các trường trung học cơ sở, trường tiểu học trong huyện, cán bộ Đoàn xã về quan sát một giờ ra chơi với các hoạt động trải nghiệm đầy sáng tạo và lý thú.

Các đại biểu và ban giám hiệu ngồi dự

         Sau hai tiết học, ba tiếng trống vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã đến. Học sinh nhanh nhẹn, tự giác xếp thành hàng đúng theo vị trí quen thuộc, mỗi bạn cách nhau một sải tay.

        Khởi đầu là bài múa tập thể Tiếng Anh. Theo tiếng nhạc, từng động tác được thực hiện nhịp nhàng đều đặn, những cánh tay mềm mại quay trái, quay phải. Cả sân trường rợp màu đỏ cam chan hòa trong nắng xuân. Bao gương mặt hồn nhiên tươi rói. Tiếp theo là vũ khúc sân trường do cô trò trường tiểu học cùng thể hiện. Tiếng nhạc và âm điệu bài hát hòa cùng điệu nhảy làm cho sân trường đang vắng lặng bỗng trở nên rộn rã, vui tươi.

 

Thầy cô và học sinh cùng múa hát tập thể

Qua các bài đồng diễn đó, không chỉ rèn cho các em kĩ năng nghe nói Tiếng Anh mà còn giáo dục các em ý thức khi tham gia các hoạt động tập thể, thói quen nhanh nhẹn, làm việc tập trung, chú ý lắng nghe và tích cực hoạt động. Từ đó hình thành và phát triển nhiều năng lực và phẩm chất cho các em.

Kết thúc hai bài đồng diễn tập thể, các em như những đàn bướm màu vàng cam tô điểm cho sân trường thêm vui mắt đã nhanh chóng tỏa ra sân trường tham gia các hoạt động trải nghiệm do mình tự chọn. Sân trường lúc này tự phân ra thành các góc trải nghiệm khác nhau một cách tự nhiên: Góc thư viện xanh, góc Tiếng Anh, góc thể thao, góc mĩ thuật và tập trung đông nhất vẫn là góc chơi các trò chơi dân gian.

Các em học sinh tỏa ra các góc chơi

Thật là sinh động khi mỗi góc sân trường thể hiện rõ một nét văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc thể hiện qua các trò chơi dân gian, các em học sinh khối lớp Một, lớp Hai và lớp Ba đang tập trung chơi “Rồng rắn lên mây”. Khán giả cũng không ngớt những tràng pháo tay giòn giã để động viên các bạn của mình. Đây là trò chơi rèn luyện thể chất và tính nhanh nhẹn, linh hoạt. Ngoài ra còn dạy các em tinh thần đoàn kết, yêu thương. nhau.

Học sinh chơi rồng rắn lên mây

Dưới các gốc cây, trò chơi ô ăn quan, chắt chuyền cũng được các em chơi rất hào hứng. Ánh mắt chăm chú, nét mặt suy tư tìm cách ăn được nhiều quân nhất. Đây là trò chơi nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ em, dạy cho các em biết quan sát, tính toán, biết các làm phép cộng, phép trừ…

Học sinh chơi ô ăn quan, chắt chuyền

Một số em lại chọn cho mình một góc thư viện yên tĩnh ngồi đọc truyện, đọc sách. Mặt các em lúc thì đăm chiêu, lúc lại giãn ra và nở nụ cười thật tươi khi khám phá được điều gì thú vị.

Học sinh đọc sách trong góc thư viện

Cách đó không xa, từng tốp học sinh đang hăng say đá cầu. Trái cầu làm bằng những vòng cao su tròn nhiều màu, ở giữa cắm mấy chiếc lông gà hay các sợi ni lon nhiều màu, vun vút bay đi bay lại. Nó được đôi chân khoẻ khoắn, nhanh nhẹn của các bạn nam làm cho có sức sống. Người xem chẳng có thể nhìn thấy quả cầu xinh xinh đâu nữa, mà chỉ thấy đôi chân nhanh nhẹn thoắt lên, thoắt xuống của các em.

            Một tốp học sinh khác tụ tập chơi nhảy dây. Sợi dây dài và to được tết công phu bằng các dây thừng quay vun vút, mỗi lần đập xuống nền xi măng lại bật lên kêu đen đét. Các em đang nhảy, vẻ mặt hớn hở, mái tóc tung bay, gò má ửng hồng, đôi chân nhanh thoăn thoắt. Mấy bạn khác đứng ngoài, chân nhấp nhấp chuẩn bị vào cuộc. Nhiều em không thích nhảy dây tập thể thì lại chọn cho mình một sợi dây ngắn để tự rèn luyện đôi chân nhỏ bé, đôi tay dẻo dai của mình.

Học sinh chơi đá cầu

Học sinh đánh cầu lông trên sân

Học sinh chơi nhảy dây tập thể

Căng thẳng và cần sự tập trung nhất vẫn là các em học sinh ở góc thể thao: trò chơi cờ vua, bóng bàn cuốn hút cả thầy và trò. Những ánh mắt chăm chú, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ để tìm cách đi cho từng nước cờ đang được các em thể hiện. Những cánh tay nhỏ đưa trái bóng bàn sao cho thật khéo léo, hiểm hóc để hạ gục đối thủ và ghi điểm cho mình được các em đang nỗ lực dành lấy.

Học sinh chơi cờ vua, bóng bàn

 Vang rộn nhất vẫn là góc chơi nhảy sạp, các em đứng thành từng hàng rất thứ tự. Theo tiếng nhạc, lần lượt từng cặp nhảy vào dàn sạp. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp; tất cả đều diễn ra trên dàn sạp và phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp chân. Cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút các em hào hứng, say sưa. Vui nhất là các em còn được chơi cùng thầy cô của mình.

Học sinh chơi múa sạp

          Những em yêu thích Tiếng Anh lại về góc chơi Tiếng Anh để hái những bông hoa có nội dung câu hỏi, hay câu đố vui... Nội dung này do các em chủ nhiệm câu lạc bộ Tiếng Anh dưới sự tư vấn của cô giáo thiết kế theo nội dung giao tiếp đơn giản. Qua đó, các em không chỉ được phát triển năng lực ngoại ngữ một cách tự nhiên mà còn có được phẩm chất mạnh dạn, tự tin, năng lực quyết đoán và xử lí các tình huống trong khi chơi.

Học sinh tham gia góc Tiếng Anh

Góc Mĩ thuật tuy yên tĩnh hơn một chút nhưng cũng không kém phần sinh động. Từng nhóm học sinh yêu thích nghệ thuật đang khéo léo nặn các con vật ngộ nghĩnh các đĩa hoa quả  bày Tết hay cắt tỉa đèn lồng treo Tết. Làm xong một đồ chơi có em thích chơi trò khác lại tự động chuyển góc hòa vào cuộc vui một cách thích thú..

Học sinh tham gia góc Mĩ thuật

Được quan sát các em trải nghiệm trong giờ ra chơi, các cán bộ Huyện Đoàn, Đoàn xã, các thầy cô tổng phụ trách các trường trong huyện đánh giá cao cuộc trải nghiệm vì hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giờ ra chơi này không làm mất quá nhiều thời gian, kinh phí, công sức, mà tất cả học sinh được tham gia một cách tự nhiên, các em được chơi các trò chơi an toàn, lành mạnh. Tất cả các em đều hứng thú hoạt động. Các đại biểu đều đánh giá giờ trải nghiệm thực sự mang lại hiệu quả cao. Mô hình này cần được duy trì thường xuyên và nhân rộng tới các trường khác.

Các hoạt động trải nghiệm giữa giờ đúng là đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực bởi nó không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp học sinh rèn khả năng ứng xử văn hóa. Nó mang lại niềm vui, sự sảng khoái cho học sinh sau tiếng cười rộn rã nh­ưng lại có tính giáo dục sâu sắc đối với con trẻ. Các hoạt động thể thao, những hoạt động múa hát tập thể, chơi trò chơi dân gian, các hoạt động mang tính tập thể đó đã giúp chúng em có thêm tinh thần thoải mái sau những giờ học căng thẳng, các em có những giây phút thư thái và thoải mái của giờ ra chơi. Giờ ra chơi không chỉ là thời điểm giải lao, thư giãn của học sinh sau các tiết học vất vả, mà còn là thời gian các em có thể làm rất nhiều điều với bạn bè, thầy cô và mái trường thân yêu của mình và chính các hoạt động này đã gắn kết và  vun đắp nên tình thầy trò, tình đoàn kết, tình bạn cao đẹp.  Đây chính là các trải nghiệm nhẹ nhàng mà rất thú vị, hiệu quả, thiết thực với các em. Học sinh được chơi mà học, được phát triển năng lực, phẩm chất một cách tự nhiên nhất. Không còn chỗ cho những trò nghịch dại hay nói tục chửi bậy, bạo lực học đường len lỏi vào cuộc sống của các em. Qua việc tìm hiểu, tham khảo ý kiến các em thì chúng tôi đều được các em nói rằng : "Chúng em rất thích được tham gia nhiều hoạt động trong giờ ra chơi. Chúng em cảm thấy Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.  Còn nhiều phụ huynh lớp Một lại chia sẻ : "Bây giờ về nhà các cháu cũng đề nghị bố mẹ mua dây, mua cầu, bàn cờ để chơi cô ạ, không còn đòi mua các đồ chơi đắt tiền như ô tô, siêu nhân, thẻ bài nữa, không đòi nghịch điện thoại như trước... Chúng tôi thấy rất vui và yên tâm ".Thấy được phản hồi của phụ huynh như vậy tôi nghĩ cần phải linh hoạt, sáng tạo và tiếp tục làm mới các giờ trải nghiệm tốt hơn nữa.

Mặt khác, tôi nhận thấy các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường thực sự đã góp phần đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc. Phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo trong tuổi trẻ học đường; thông qua các hoạt động học tập và vui chơi lành mạnh góp phần định hướng lối sống đẹp, ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước.

 

 

Người viết: Trương Thị Ngát

Giáo viên trường Tiểu học Lãng Sơn - Yên Dũng - Bắc Giang

 

 

 

Trường Tiểu học Lãng Sơn 

Địa chỉ: Thôn Tân Mĩ , Xã Lãng Sơn

Điện thoại: 0978342135

Email: c1langsonyd.bacgiang@moet.edu.vn

 

 

 

Hỗ trợ & phát triển bởi EduPortal

Ghi rõ nguồn EduPortal khi trích thông tin từ website này